Huế 24h
Thành phố Huế xuất sắc đạt 3 giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2021-2025
16:09 | 23/05/2025

Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” luôn là đề tài được văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng; tiếp tục thu được nhiều kết quả, chất lượng được nâng lên với số lượng tác phẩm, đối tượng tham gia nhiều hơn, góp phần lan tỏa sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thi đua học tập và làm theo Bác.

Thành phố Huế xuất sắc đạt 3 giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2021-2025
Toàn cảnh trao Bằng khen Quảng bá cho tập thể và cá nhân
Trong thời đại mới, tiếp nối “dấu chân Hồ Chí Minh”, trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, những người làm báo, văn nghệ sĩ, trí thức, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân… bằng lao động sáng tạo nghệ thuật đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước; lan tỏa những giá trị tốt đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi tác phẩm, công trình là một nhịp bước khơi sáng nhận thức, lay động trái tim, thúc đẩy hành động đẹp. Nhớ lời Bác dặn “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, là ánh sáng mở đường, là trí tuệ và đạo lý. Người làm văn hóa - nghệ thuật chính là người thắp sáng con đường ấy.
 
Tại Giải thưởng tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2021-2025, Hội đồng chuyên ngành Trung ương đã xét hơn 1.500 tác phẩm đủ điều kiện tham gia xét chọn Giải thưởng và trao giải đối với 269 tác phẩm, với 10 giải A, 57 giải B, 100 giải C, 102 giải khuyến khích. Đồng thời, khen thưởng thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá đối với 45 tập thể và cá nhân tiêu biểu trong hoạt động quảng bá - minh chứng cho sức sống bền bỉ và lan tỏa các giá trị mà Bác Hồ để lại.
 
Thành phố Huế, nơi vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình có hơn 10 năm sinh sống, học tập và bước đầu tham gia các hoạt động yêu nước tại Huế, qua hai giai đoạn từ năm 1895 đến 1901 và từ 1906 đến 1909. Huế trong trái tim Bác Hồ luôn có một vị trí đặc biệt, bởi Huế là nơi Người lớn lên và trưởng thành trong 10 năm quan trọng nhất của tuổi thiếu thời (từ 5 đến 11 tuổi và từ 16 đến 19 tuổi). Tình cảm Người dành cho Huế là những lá thư, lời động viên khích lệ, sự chỉ bảo ân cần mỗi khi gặp những người con của Huế ra miền Bắc.
 

Tác phẩm "Tình yêu hoà bình" của Họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa - Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế dạt Giải khuyến khích
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, những truyện kể lịch sử lưu truyền về Bác Hồ cũng đã được sưu tầm, ghi chép, nhiều hồi ký của những người sinh sống ở Huế có vinh dự được gặp Bác Hồ đã được xuất bản thành sách, trở thành kho sử liệu vô cùng phong phú như Bác Hồ với Bình Trị Thiên, Bình Trị Thiên với Bác Hồ (1987); Bác Hồ trong lòng dân Huế (1990); Bác Hồ sống mãi trong lòng nhân dân Thừa Thiên Huế (2010), “Câu chuyện đằng sau những kỷ vật” (2019) của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Trong dòng chảy văn hóa, văn nghệ dân gian còn lưu truyền nhiều dân ca, tục ngữ, ca dao, hò vè, câu đối, hát ru… và các hình thức biểu đạt khác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, tình cảm của nhân dân thành phố Huế để lại dấu ấn sâu đậm trong các tác phẩm này được lưu truyền ở Huế từ sau cách mạng tháng Tám và tồn tại cho đến ngày nay.
 
Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn thành phố Huế đã tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ, thu hút hàng trăm tác phẩm dự thi với nhiều đề tài, thể loại phong phú và đa dạng. Đây cũng là một chủ đề lớn, đòi hỏi nguồn tư liệu sưu tầm công phu, sự tích lũy về kinh nghiệm và vốn sống của tác giả cũng như đòi hỏi tài năng ở người nghệ sĩ.
 
Tại đợt trao Giải thưởng lần này, Huế vinh dự có 03 giải được ghi nhận, tôn vinh. Đó là đồng chí Lê Văn Hà - đơn vị Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế được nhận Bằng khen về quảng bá. Trong 02 năm, tác giả đã có 16 bài báo với nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên các báo Trung ương và địa phương; tham gia nhiều đợt tuyên truyền lưu động giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố.
 

Các tác giả đến từ thành phố Huế nhận Giải thưởng cấp Trung ương
 
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới vinh dự được Giải B - chuyên ngành Xuất bản với tập ca khúc “Ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương A Lưới”. Đây là ấn phẩm gồm 20 ca khúc, nội dung khẳng định vai trò của Đảng, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chặng đường cách mạng Việt Nam. Những ca khúc này, bên cạnh Tiếng Việt phổ thông, đã được dịch sang tiếng của 3 dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi của đồng bào A Lưới. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, vừa mang những nét giá trị mới, nâng cao sự hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa giúp đồng bào tiếp cận những thành quả của văn hóa nghệ thuật hiện nay; từ đó góp phần bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu trên địa bàn huyện A Lưới, để lớp trẻ sau này tiếp tục phát huy lưu truyền.
 
Họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa - Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế nhận Giải khuyến khích với tác phẩm mỹ thuật “Tình yêu hòa bình”. Tác phẩm xây dựng ý tưởng từ khoảnh khắc "em bé tượng đài" cùng chú bộ đội hóa thân thành người chiến sĩ Điện Biên năm xưa trong buổi lễ chào mừng kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới triệu hạt mưa buổi sớm. Tác phẩm chất liệu in khắc đồng, thông qua nghệ thuật tạo hình đã tạo nguồn nuôi dưỡng tinh thần truyền thống yêu nước, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu hòa bình, lòng tự hào dân tộc, hướng về bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới và gắn liền với mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, đó chính là ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.
 
Có thể nói, giá trị đích thực của các tác phẩm tham gia Giải thưởng lần này, không chỉ nằm ở sự trau chuốt ngôn từ, hình ảnh, thiết kế; mà ở chính cuộc sống các tác phẩm chạm đến cũng như hiệu quả tích cực để lại trong cộng đồng. Từ ngòi bút, bàn tay, khối óc của tác giả, đã có những con người đổi thay, những việc làm khởi phát, những niềm tin được thắp lên… lặng lẽ nhưng bền bỉ - đó là hành trình mà văn hóa nghệ thuật đang tiếp tục soi đường cho đời sống hôm nay.
 
 
 
Theo Thu Hà - Thành ủy Huế
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài đã đăng