Sáng 17/5, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Huế tổ chức hội thảo “Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa, người khai lập nghề ảnh Việt Nam - Đặng Huy Trứ (16/5/1825 - 16/5/2025)”.
Đến tham dự hội thảo, có bà Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; ông Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh trung ương và địa phương; đại diện con cháu Đặng tộc làng Thanh Lương; Ban giám hiệu và các em học sinh Trường THPT Đặng Huy Trứ.
Cho đến nay, đã có 03 hội thảo về danh nhân Đặng Huy Trứ được tổ chức tại thành phố Huế vào tháng 12/1993, tháng 07/2000 và tháng 03/2018. Nay, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Đặng Huy Trứ (16/5/1825 - 16/5/2025), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Huế đã tổ chức hội thảo này nhằm tri ân những đóng góp to lớn của ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam.
Bà Trần Thị Thu Đông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - phát biểu tại hội thảo
Có 23 tham luận gửi đến Hội thảo, đề cập đến 02 nội dung chính: Một là, Danh nhân Đặng Huy Trứ và các giá trị di sản của ông để lại; Hai là, vấn đề tiếp nối truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam trong hơn 150 năm qua.
Các tham luận đã tập trung làm rõ, về tư tưởng canh tân đất nước, về chủ nghĩa yêu nước của danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ... Về giáo dục, ông là người đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam đề xướng phương châm "sư đệ tương trưởng”. Ông chủ trương mời người nước ngoài vào dạy các môn khoa học và cử người đi du học... Về văn hóa, ông là người phát huy thuần phong mỹ tục, tôn trọng di tích lịch sử và chống mê tín dị đoan, ông là người đi đầu trong công tác chống nan tham nhũng với tác phẩm “ Từ thụ yếu quy” dày 800 trang. Các trước tác do ông để lại cần được nghiên cứu ký hơn để thấy những giá trị lớn lao của nó. Về kinh tế, Đặng Huy Trứ là người đầu tiên thực hiện các hợp doanh giữ nhà nước và tư nhân theo phương châm “ công tư hưởng lợi”. Ông đề xuất hệ thống giao thông đường biển Bắc Nam, giao lưu kinh tế giữa miền xuôi và miền ngược, kha mỏ và xuất khẩu thiếc đem lại một nguồn lợi lớn cho đất nước... Về quân sự, ông nhận thấy tầm quan trọng sức mạnh của nhân dân, quan hệ giữa tướng sĩ phải là quan hệ “ như cha dạy con, anh dạy em, thầy dạy trò”. Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, ông chủ trương theo phái chủ chiến, xâ dựng đội dân binh, tự đóng chiến thuyền, lập cục cơ khí, dạy nghề và mời chuyên gia phương Tây sang dạy học. Đặng Huy trứ là con người hành động, không chỉ là người trí thức có tư tưởng canh tân mà bản thân ông lại là người bắt tay hành động.
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Huế - phát biểu đề dẫn hội thảo
Hội thảo đã đi đến thống nhất tiếp tục đi sâu nghiên cứu các giá trị di sản mà danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ để lại, làm cơ sở lập hồ sơ danh nhân Đặng Huy Trứ một cách có hệ thống cho những công việc của tương lai như trình UNESCO công nhận danh nhân văn hóa thế giới. Tiếp tục phát huy thành quả nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng và nhiếp ảnh Cố đô nói chung trong hơn 150 năm qua, đặc biệt là thành quả của nửa thế kỷ nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. Hội thảo cũng đề xuất chính quyền thành phố Huế tiếp tục có sự quan tâm để di tích Nhà thờ Đặng Huy Trứ trở thành địa chỉ văn hóa quan trọng của cả nước, xây dựng Huế trở thành thành phố nhiếp ảnh của Việt Nam.
Sáng cùng ngày, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Huế và Hội Nhiếp ảnh thành phố Huế cũng đã dâng hương tưởng nhớ đến danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ taị nhà thờ của ông ở làng Thanh Lương, thị xã Hương Trà, thành phố Huế.
Quỳnh Chi