Huế 24h
50 năm văn học nghệ thuật Huế - Bản sắc, hiện đại và phát triển
14:41 | 06/05/2025
Trong dòng chảy của văn học nghệ thuật cả nước, lĩnh vực văn học nghệ thuật của thành phố Huế tiếp tục giữ vững bản sắc và truyền thống của vùng đất văn hóa, của thi ca nhạc họa, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn học nghệ thuật thành phố Huế đã đạt được những thành tựu đáng kể; nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính chiến đấu và tính giáo dục cao; nhiều tác phẩm hay phản ánh truyền thống đấu tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới của Đảng; nhiều bài nghiên cứu lý luận phê bình đã phân tích có chiều sâu, nhiều khám phá mới, khẳng định bản chất tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam; văn hóa, con người Huế để biểu dương cái tốt, lên án cái xấu, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. 50 năm qua, văn học nghệ thuật Huế tiếp tục giữ vững vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật và khẳng định vị thế với dấu ấn đặc sắc trong lòng độc giả trong nước và quốc tế.
 
50 năm văn học nghệ thuật Huế - Bản sắc, hiện đại và phát triển
Hội thảo 50 năm văn học nghệ thuật thành phố Huế
Văn học nghệ thuật Huế sau ngày đất nước thống nhất
 
Kể từ 30/4/1975, sau ngày đất nước thống nhất, đời sống văn học, nghệ thuật trên vùng đất Huế ngày càng sôi động. Với việc xác định nhiệm vụ của giới văn nghệ sĩ là đem tài năng, sức lực phục vụ đất nước, góp phần xây dựng thành phố Huế giàu đẹp, đội ngũ văn nghệ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm với các tên tuổi nổi tiếng như: Trên dòng Hương, Tình ca viết bên bờ sông Hương (Thanh Hải), Đêm hội hoa đăng (Vĩnh Mai), Chợt nghĩ về chiến khu xanh thẳm, Nghệ thuật và người nghệ sĩ được hoàn toàn giải phóng (Hoàng Phủ Ngọc Tường)… Trước đó, văn nghệ sĩ Huế đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc đấu tranh thống nhất non sông. Dù bị đàn áp, khống chế, nhưng tiếng nói của văn nghệ sĩ nặng lòng với độc lập dân tộc, với khát vọng tự do, dân chủ vẫn không bị dập tắt. Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, phong trào đấu tranh đô thị Huế phát triển mạnh, trong đó văn nghệ sĩ đấu tranh bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật và xuống đường, hình thành một đội ngũ đối lập với các thế lực cầm quyền ở miền Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo nên một xu hướng văn nghệ đấu tranh ngay trong lòng thành phố Huế, với các gương mặt tiêu biểu: Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Hà, Hoàng Phủ Ngọc Tường (văn học), Lê Khánh Thông, Lê Minh Trường, Nguyễn Trung Bảy (mỹ thuật), Nguyễn Tiến Trung, Thu Lưỡng, Phương Lai (sân khấu), Trọng Thanh, Văn Thái (nhiếp ảnh)…
 

Trại sáng tác Chung một cơ đồ
 
Nhiều văn nghệ sỹ đã trưởng thành, ghi dấu ấn sáng tác, sáng tạo qua những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc Huế, con người Huế. Những người cầm bút ở Huế đã hội nhập, nhanh chóng hòa chung một dòng và cùng chung niềm mong ước để xây dựng một nền văn học, văn hóa tinh thần giàu bản sắc dân tộc, đậm đà bản sắc văn hóa Huế. Vì thế, sau ngày quê hương, đất nước thống nhất, trong đội ngũ đông đảo từ chiến khu trở về đồng bằng tiếp quản thành phố có nhiều văn nghệ sĩ mặc áo lính, họ vốn sinh ra và lớn lên từ nhiều vùng quê khác nhau, bởi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nên họ có mặt ở chiến trường Trị - Thiên Huế. Cùng với cây súng, cây đàn, chiếc máy ảnh, ngòi bút... họ là những nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà báo, diễn viên có tên tuổi đã quy tụ về với Huế anh hùng.
 
Những đóng góp quan trọng ghi dấu ấn của văn nghệ sĩ Huế
 
Từ khoảng 100 văn nghệ sĩ những ngày đấu thống nhất đất nước, đến nay, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Huế đã có 8 hội chuyên ngành với trên 750 hội viên. Trong đội ngũ những người cầm bút vững vàng, có nhiều văn nghệ sĩ có tầm vóc quốc gia và khu vực; đồng thời luôn luôn được bổ sung các hội viên trẻ, nhiều triển vọng. Chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ được nâng cao, có trên 50% hội viên có trình độ Đại học trở lên, 03 giáo sư, 05 phó giáo sư, 19 tiến sĩ, 5 nghệ sĩ nhân dân, 41 nghệ sĩ ưu tú, 5 nghệ nhân nhân dân, 15 nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt, có 3 tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý: nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sỹ Trần Hoàn; có 10 văn nghệ sĩ được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, gồm: Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Kha, Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu (văn học), Bửu Chỉ (mỹ thuật), Triều Nguyên (văn nghệ dân gian).
 

Triển lãm nhiếp ảnh
 
Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hưởng ứng, tham gia. Hằng năm, thành phố Huế đã tổ chức triển khai các chuyên đề, trại sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để văn nghệ sĩ, nhà báo trên địa bàn hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ. Các trại sáng tác đã giúp văn nghệ sĩ có điều kiện thâm nhập thực tế, sáng tác nên những tác phẩm hay, sinh động, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần giữ gìn, bồi đắp các giá trị đạo đức, đạo lý dân tộc, lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội. Thông qua tác phẩm, công tác tuyên truyền, quảng bá tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, người lao động. Việc gắn kết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, từng cá nhân, đưa việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại những kết quả quan trọng. Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật, Hội Nhà báo, nhiều cơ quan đơn vị, các hội chuyên ngành, các nhà báo, các văn nghệ sĩ trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng sáng tác, quảng bá với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhiều sáng tác, quảng bá có chất lượng, hiệu quả được giải cao khi tham gia dự thi cấp Trung ương.
 
Đội ngũ sáng tác trên địa bàn thành phố đông đảo số lượng, luôn có sự tiếp nối và kế thừa liên tục giữa các thế hệ, góp phần tạo nên những dấu ấn và thành tựu quan trọng trên nhiều phương diện. Các văn nghệ sĩ sáng tạo, sáng tác đảm bảo đúng định hướng về tư tưởng chính trị của Đảng. Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tác giả phát huy tính độc lập, quyền tự do sáng tác, thể hiện phong cách, tạo được dấu ấn cá nhân trong sáng tạo văn học nghệ thuật để tạo ra những tác phẩm, công trình có sức lan tỏa mạnh mẽ.
 

Triển lãm mỹ thuật
 
Trước nhiều biến động và diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động văn học - nghệ thuật thành phố luôn sôi động, phong phú và đa dạng; các loại hình nghệ thuật truyền thống mang bản sắc riêng của vùng đất Cố đô được bảo tồn, phục dựng và tỏa sáng, nhất là thông qua các kỳ Festival Huế, các cuộc giao lưu, công diễn với bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế. Nhiều hình thái văn học nghệ thuật tiên tiến đã du nhập làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam nói chung và thành phố Huế nói riêng.
 
Công tác nghiên cứu, lý luận phê bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, luôn cố gắng để bắt kịp với thực tiễn. Có nhiều thế hệ những người viết nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trên đất Huế trong 50 năm qua. Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình trên các lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc... đều có nhiều khởi sắc mới. Lực lượng nghiên cứu, lý luận, phê bình nhanh chóng phát triển trong đội ngũ giảng viên của một số trường đại học trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, từ sau đổi mới (1986) đến những năm đầu thế kỷ XXI, đã xuất hiện các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trẻ, một thế hệ mới với phương pháp và góc nhìn, lý luận và cảm thức đều mới.
 
50 năm kể từ ngày quê hương, đất nước được độc lập, thống nhất, hoạt động văn học nghệ thuật của thành phố Huế tiếp tục có nhiều đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới quê hương, đất nước, góp phần đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều văn nghệ sĩ đã khẳng định tài năng của mình qua những giải thưởng lớn trong nước, khu vực và quốc tế; nhiều danh hiệu, nhiều bằng khen, huy chương… đã được trao tặng trên các lĩnh vực, góp phần làm nên diện mạo mới trong đời sống văn học nghệ thuật thành phố và xứng đáng với vị thế Huế là trung tâm văn hóa lớn, đặc sắc của cả nước.
 

Trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhiếp ảnh tại Huế
 
Có thể khẳng định, văn học nghệ thuật giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Tại Huế, nhiều văn nghệ sỹ đã cùng với tác phẩm của mình đi cùng lịch sử đất nước, tạo nên nền văn học nghệ thuật tiên phong và cũng là tấm gương soi sáng về đạo đức xã hội, tự hào về truyền thống của "Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên" (Nguyễn Đình Thi).
 
Văn chương xứ Huế đã ghi dấu ấn sâu đậm qua 50 năm với Bài ca thống nhất và bước vào thời kỳ mới của một thành phố trực thuộc Trung ương. Trong dòng chảy chung đó, đội ngũ văn nghệ sĩ Huế đã và đang có những bước chuyển mình phù hợp, vừa thể hiện được bản sắc riêng của vùng đất văn hóa, vừa theo kịp với các xu hướng, trào lưu tiến bộ trong nước và thế giới, làm phong phú nét độc đáo của riêng mình, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới toàn diện, khẳng định Huế là thành phố di sản, thành phố văn hóa, thành phố vì hòa bình. Bước vào giai đoạn phát triển mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, với quyết tâm, niềm tin về một đất nước hùng cường, thành phố Huế không nằm ngoài khí thế mới, khát vọng mới ấy, vì thế, văn nghệ sĩ Huế tiếp tục nỗ lực sáng tạo hơn nữa, làm cho văn học nghệ thuật đồng hành cùng khát vọng phát triển của Huế và đất nước.
 
 
 
Theo Thu Hà - Thành ủy Huế
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài đã đăng